Cái nào sẽ là danh thiếp của bạn?
Đội hình tuyển Google Ventures là tổ chức rất uy tín trong ngành đầu tư mạo hiểm. Họ không chỉ dốc tiền mà còn giúp huấn luyện các công ty non trẻ. Mình từng nghe một bài nói chuyện của họ về việc làm thế nào giúp một công ty khởi nghiệp có đủ lực làm UX thành công. Nếu làm UX giống như chơi một trận bóng thì có đến có 8 vị trí đá khác nhau 2. Kể cả nếu công ty không đủ người thì các thành viên vẫn phải cố gắng đá hết các vị trí sau mới chiến thắng được:
Người thiết kế tương tác Tên tiếng Anh: Interaction Designer (IxD)
Mục tiêu: làm các thứ dễ dùng hơn
Đầu vào ngành này là đa dạng nhất. Bạn thiết kế nhóm mình học đại học ngành công nghệ thông tin, kiếm được việc ở công ty làm công cụ thiết kế sách báo ở cùng thành phố, rồi thích ngành thiết kế luôn. Thiết kế trưởng cũ của nhóm mình thì lại khác, hồi đại học thì học xã hội nhân văn, mở ban nhạc rock xong không kiếm được tiền nên nghỉ chơi và chuyển sang ngành thiết kế.Công việc hàng ngày của nghề này là giải quyết vấn đề. Mình hay nghe họ hỏi nhau rằng: “làm thế nào để người dùng có thể nhảy bài ngẫu nhiên khi nghe nhạc trên Google Play Music”, “làm thế nào để lật sách nhanh hơn trên Google Play Books”, “làm thế nào để chia sẻ phim với gia đình trên Google Play Movies”, “làm thế nào để người đăng ký tạp chí trên Google Play Magazines dùng ít bước nhất”.
Người thiết kế mỹ thuật Tên tiếng Anh: Visual Designer (VisD)
Mục tiêu: làm các thứ hấp dẫn hơn
Bạn Taddeo luôn được gọi đến sau các cuộc họp thiết kế. Taddeo là người biến tất cả các ý tưởng trở nên đẹp lộng lẫy và chuyên nghiệp. Bạn này người Ý, học chính quy trường mỹ thuật ở Venice, rồi lên núi luyện công thêm chứng chỉ thiết kế đồ hoạ điện tử.Bạn có hay lén vẽ manga trong lớp học không? Bạn có chọn phông chữ mê mẩn như chọn một đôi giày không? Bạn thích ngắm mưa không? Nếu bạn trả lời có cho bất cứ câu nào thì bạn rất nên thử nghề này.
Người thiết kế nội dung Tên tiếng Anh: UX Writer / Copywriter
Mục tiêu: làm các thứ dễ hiểu hơn
Trong một lần chuyển văn phòng, mình nhặt được một tập tài liệu ghi là “Cá tính của Android”. Đấy là lúc mình nhận ra lời nói có khả năng biến các cỗ máy khô khan thành các cỗ máy thân thiện. Tài liệu nói rằng: Android nên là một người bạn, nói chuyện ngắn gọn và dễ nghe. Ví dụ, ba câu sau cùng một ý nghĩ nhưng có ba cá tính khác nhau:
- “Phải bấm vào đây ngay để lưu dữ liệu”: nghe bạo lực.
- “Xin bạn hãy làm ơn bấm để lưu”: giọng nài nỉ quá mức.
- “Bấm vào để khỏi mất dữ liệu”: ngắn gọn và nêu lợi ích rõ ràng.
Gần đây, cộng đồng Facebook Vietnam UX/UI Designers phát hiện Gmail mắc phải một lỗi rất buồn cười vì dịch "Cancel" và “Discard" đều là “Huỷ". Mình bảo nhóm Gmail ngay là thông điệp này rất rối với người dùng Việt Nam. May quá nhóm đấy nhiệt tình không chỉ sửa một chỗ mà còn sửa 26 chỗ khác tương tự trong app như là “Đã xảy ra lỗi khi bỏ.” “Bỏ không được rồi, bạn có muốn thử lại không?”, v.v. Mình mừng vì giọng nói của sản phẩm đã đỡ làm rối người dùng và nhất quát với các ứng dụng khác của Google.
Bên trái là lỗi lúc đầu. Bên phải là sau khi được người thiết kế nội dung sửa.
Người kỹ sư thiết kế Tên tiếng Anh: UX Engineer (UXE)
Mục tiêu: làm thiết kế thành hiện thực
Mình đã chuyển từ ngành kỹ sư phần mềm sang kỹ sư thiết kế sau lần đi hội thảo Google UX Engineers ở New York năm 2016. Trước đó mình hay tự hỏi tại sao chỉ có mình thích đẩy điểm ảnh, những người khác trong nhóm thường ngại hoặc ghét. Ở hội thảo đấy, mình há hốc mồm khi nhìn thấy cả phòng một trăm người đều nghĩ giống mình. Ai cũng yêu thiết kế và luôn sẵn sàng biến bất cứ ý tưởng gì thành hiện thực.Mình từng nói chuyện với một đối tác rằng nếu bên kỹ sư và bên thiết kế làm việc không hiệu quả với nhau thì nên "gài một người thiết kế yêu công nghệ vào nhóm kỹ sư” hoặc "cử một người kỹ sư yêu thiết kế vào nhóm thiết kế". Ở Google, những người đó là Kỹ Sư Thiết Kế.
Người nghiên cứu người dùng Tên tiếng Anh: UX Researcher (UXR)
Mục tiêu: làm thiết kế đúng người đúng đối tượng
Đây là người luôn sẵn sàng tiếp cận người dùng để hiểu người dùng. Bạn mình làm cho một công ty giáo dục. Công ty từng có dự án đem máy tính bảng cho các em nghèo, cứ 30 đứa có thể dùng chung một máy để học. Nhóm thiết kế ở thành thị nghĩ là vì mỗi đứa có tốc độ học riêng, mỗi đứa sẽ phải đăng nhập tài khoản riêng để có thể xem kiến thức phù hợp.Tuy nhiên, sau khi đến một làng vùng sâu vùng xa, bạn này phát hiện ra là cả làng chẳng ai hiểu “tài khoản" hay “mật khẩu" là mô tê gì cả. Bọn trẻ cứ thấy đứa trước đánh chữ gì thì đến lượt mình đánh y hệt để mở máy. Nhờ báo cáo này, nhóm đã thay đổi sản phẩm bằng cách cho mỗi đứa chụp ảnh rồi sau đó có thể đăng nhập bằng việc bấm vào ảnh bản thân. Nhờ vậy mà giờ trẻ con cũng dùng được.
Người thiết kế công nghiệp Tên tiếng Anh: Industrial Designer
Mục tiêu: làm những gì sờ nắn được
Vị trí của người Thiết Kế Công Nghiệp ngày nay ngày càng quan trọng. Họ phải suy nghĩ toàn diện xung quanh một sản phẩm từ bao bì mẫu mã đến cách thức người ta sử dụng sản phẩm hàng ngày.Mình mới kiếm được cho vợ một đôi tai nghe hãng Jabra của Đan Mạch, dùng vừa tốt thiết kế vừa đỉnh. Hoàn toàn không có chuyện phải vật lộn với dao kéo hay nhíu mắt đọc hướng dẫn sử dụng. Từng chi tiết tưởng chừng nhỏ như là cái móc để treo lên kiện cũng được suy nghĩ thấu đáo.
Người thiết kế chuyển động Tên tiếng Anh: Motion Designer
Mục tiêu: làm hệ thống dễ hiểu hơn
Mình đã từng tự nhận là có năng khiếu thiết kế chuyển động. Hồi mới vào làm, mình được giao làm một cái băng rôn chuyển động trên trang chủ. Mình bỏ phải đến cả tuần để chỉnh từng chuyển động một có “nhịp” với nhau. Mình ví cái băng rôn giống như một vở kịch ba lê, phải có dạo đầu nhẹ nhàng, có các cô vũ nữ vung chân cùng nhịp, và lúc kết thúc thì tất cả phải cùng ra khỏi sân khấu một lúc. Sau này mình gặp bạn Jonas, thiên tài làm chuyển động của công ty, thì mới mất điện. Hoá ra những gì mình tưởng mình phát minh ra chỉ là mấy bài căn bản trong 12 phép thiết kế chuyển động của Walt Disney.
Quản lý quy trình thiết kế Tên tiếng Anh: Program Manager (PgM)
Mục tiêu: giúp tất cả tránh cãi nhau
Mình mới làm quen bạn Paula làm quản lý quy trình thiết kế cho công ty 23.Design. Paula bảo công việc hàng ngày là sắp xếp cuộc họp để bên thiết kế trả lời hết thắc mắc của bên kỹ sư và ngược lại. Xem lịch bạn ấy thì thôi rồi, không lúc nào không có họp, nhiều lúc còn chồng chéo lên nhau. Paula gánh trách nhiệm tạo ra các quy trình để dự án có chạy trơn tru và đúng hạn. Khi mình bảo nghề này khó kinh khủng, bạn ấy cười và bảo trước khi vào công ty này, bạn từng quản lý một trại nuôi ngựa và làm cô giáo chủ nhiệm cấp một. So với hội kỹ sư và hội thiết kế thì ngựa và trẻ con khó quản hơn nhiều.
Chọn nghề Bạn đã chọn được nghề UX bạn thích chưa? Nếu chưa thì xoay vòng tròn may mắn này để nó chọn đại cho bạn vậy.
Rồi bạn có thể bắt đầu bằng các tài liệu sau:
- Một số kinh nghiệm khi theo nghề UI/UX/PM, tungjacob, thegioididong.
- Tự học thiết kế - A DIY Design Education, linhlinh, eggcademy.
- Lộ trình trở thành designer cho người trái ngành, duytran, eggcademy.
- Katy ơi, học UI/UX bắt đầu từ đâu?, katy, Katy Le.
- Tổng quan về công việc UX Design, ngochieu, ngochieu.com.